Tiêu điểm

Coi trọng dạy thật, học thật, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội

PV: Xin đồng chí hiệu trưởng cho biết về sự hình thành và phát triển của trường Đại học Lạc Hồng trong 10 năm qua?

 TS. Trần Hành: Nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời đà phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung, trường Đại học Lạc Hồng đã được thành lập theo quyết định số 790 TTg, ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ và hoạt động theo quyết định số 3678 BGD ĐT ngày 13/11/1997 của Bộ Giáo dục- Đào tạo.
 
Trường Đại học Lạc Hồng là một cơ sở giáo dục đa ngành, đa cấp học, đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh tế và xã hội nhân văn. Nhà trường đảm bảo cung cấp và chăm lo những điều kiện học tập có chất lượng cho mọi người có nhu cầu đào tạo và đào tạo lại; mặt khác đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và hiểu biết chính trị cho thị trường lao động trong cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng.
 
Trường Đại học Lạc Hồng là trường đào tạo nhân lực nên khi xây dựng chương trình phải có tỷ lệ lý thuyết và thực hành, tự học là 7 : 3. Bên cạnh đào tạo nhân lực nhà trường chú trọng vườn ươm nhân tài, sinh viên có học lực từ khá trở lên phải tự chịu trách nhiệm với điểm số của mình và bắt buộc phải nghiên cứu khoa học. Chương trình đào tạo phải tạo cho sinh viên nhanh chóng kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Các nhà đầu tư của trường tự xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho sinh viên học tập và không phải thuê mướn cơ sở khác để học.
 
Nhà trường có xu hướng  đưa trường học gần với các khu chế xuất, khu công nghiệp, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên học thêm chuyên môn nghiệp vụ và phục vụ cho nhu cầu học tập suốt đời.
 
PV:  Phương hướng trong những năm tới của trường Đại học Lạc Hồng là gì thưa đồng chí hiệu trưởng?
 
TS. Trần Hành: Với lịch sử 10 năm hình thành và phát triển. Trường tự tin sẽ xây dựng Đại học Lạc Hồng phát triển thương hiệu cao trở thành cơ sở đào tạo chất lượng và tin cậy.
 
Đổi mới mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế gắn kết đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất, phấn đấu đưa trường Đại học Lạc Hồng nằm trong Top 10 các trường đại học. Nâng tầm ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, phấn đấu có nhiều đề tài ngang tầm cấp Bộ, cấp Nhà nước làm cơ sở cho giáo viên trường Đại học Lạc Hồng tham gia những đề tài nghiên cứu khoa học nước ngoài nhằm ứng dụng và nghiên cứu khoa học công nghệ với địa phương.
 
Các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ 40% các đề tài tập trung cho:
 
Đổi mới phương thức đào tạo, chuyển đổi chương trình.
Đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá, biên soạn giáo trình điện tử, xây dựng hàng ngàn đề thi trắc nghiệm khách quan và nghiên cứu cải tiến đồ dùng dạy học thí nghiệm…60% dành cho các đề tài phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.
 
Hoàn thiện cổng thông tin điện tử để năm học 2008 – 2009 thực hiện đào tạo tín chỉ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần thiết chỉ đạo giáo viên soạn bài giảng theo lộ trình đào tạo tín chỉ.

Trong những năm tới liên tục tuyển lựa và đào tạo chuyên môn để đội ngũ giáo viên có học hàm học vị đáp ứng đào tạo tín chỉ.

Đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, ký túc xá nhằm đảm bảo đầy đủ, kịp thời việc thực hiện mục tiêu chất lượng cao và nghiên cứu có hiệu quả.

PV:  Xin cảm ơn đồng chí hiệu trưởng.
--------------------------------------
Những thành tựu cơ bản của trường Đại học Lạc Hồng trong 10 năm qua:
* Lực lượng lao động của nhà trường phát triển ổn định và vững chắc:
Công tác xây dựng đội ngũ nhân viên và giáo viên cơ hữu được nhà trường quan tâm ngay từ đầu. Tính đến nay, toàn trường có 12 khoa, 4 phòng chức năng, 4 trung tâm và 2 công ty với 653 cán bộ, nhân viên, giảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên cơ hữu là một thành tích nổi bật nhất. Bên cạnh thu hút những thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư ở các đơn vị ngoài trường về làm việc lâu dài, nhà trường tuyển chọn sinh viên có học lực khá giỏi làm giáo viên cơ hữu và tạo thuận lợi cho họ thi và học thạc sĩ. Mỗi cán bộ đi học thạc sĩ trường hỗ trợ 20 triệu, tiến sĩ 30 triệu. Tỷ lệ giảng viên có văn bằng đang học cao học, nghiên cứu sinh đạt trên 70%.
Hệ thống quản lý công tác đào tạo có từ bậc thợ 3/7, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Nhà trường chú trọng đề bạt cán bộ trẻ có tuổi đời từ 26 tuổi đến 42 tuổi là trưởng phó phòng, phó khoa, chánh phó giám đốc các trung tâm. Với kinh nghiệm của cán bộ già và sự năng động của cán bộ trẻ mọi nhiệm vụ chính trị của nhà trường được hoàn thành tốt đẹp.
* Công tác đào tạo phát triển ổn định:
Trường Đại học Lạc Hồng đào tạo đa ngành, đa cấp, trường coi trọng dạy thật, học thật, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội là sứ mạng cơ bản của mình. Nhà trường không chỉ chú trọng dạy chữ mà còn chú trọng giáo dục ý thức công dân, có trách nhiệm với cộng đồng với xã hội cho sinh viên.
Hiện nay trường có 21 ngành đào tạo đại học và cao đẳng gồm các ngành nghề về khoa học công nghệ (tin học, điện tử viễn thông, công nghệ tự động hóa, công nghệ điện điện tử, xây dựng dân dụng, công nghiệp và cầu đường, cơ tin, điện dân dụng, điện công nghiệp, công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm, khoa học môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ cắt may, nông nghiệp), tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh (quản trị doanh nghiệp, quản trị thong mại điện tử), kế toán kiểm toán, ngoại thương, Đông phương học (Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Việt Nam học), Ngữ văn Anh và Hoa văn.
Sau 10 năm, từ 5 ngành đào tạo đại học chính quy ban đầu tới nay trường đã có 4 bậc đào tạo (công nhân kỹ thuật 3/7, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học). Hiện nay, trường có 3 ngành: tin học, khoa học môi trường, quản trị kinh doanh đủ điều kiện đào tạo sau đại học và đang làm thủ tục xin Bộ Giáo dục – Đào tạo. Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có 22 ngành đào tạo khác nhau.
Tổng số sinh viên học sinh từ con số 1.100 sinh viên khoá 1 (tháng 02 năm 1998) tới nay đã có trên 16.000. Có 6 khóa tốt nghiệp với tổng số trên 4.600 cử nhân, kỹ sư chính quy, 100 kỹ sư, cử nhân cao đẳng chính quy, 6 khoá đào tạo trung học chuyên nghiệp với 7.000 học sinh. Theo thống kê của trung tâm tư vấn nghề nghiệp trên 98% đã có việc làm và đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhà trường quản lý chặt chẽ lịch trình và đề cương bài giảng của giáo viên và yêu cầu có tỷ lệ thích hợp giữa lý thuyết và thực hành, thực tập, tự học là 7 : 3. Nhờ vậy chất lượng đào tạo mỗi năm tốt hơn, tỷ lệ sinh viên khá giỏi tham gia nghiên cứu khoa học nhiều hơn và có nhiều đề tài ứng dụng thực tế sản xuất. Hàng năm học sinh đăng ký thi vào trường tăng lên và khóa tuyển sinh 2007 – 2008 có trên 11.000 đăng ký thi nguyện vọng 1.
Phương pháp đào tạo của nhà trường ngày một đổi mới và hoàn thiện  theo hướng đào tạo nhân lực và dễ kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhà trường tổ chức tập huấn soạn bài cho giáo viên về lý thuyết, gồm các kiến thức cơ bản, cơ sở về thực hành gồm bài tập tuần, tháng, cuối kỳ và giáo viên dành thời gian cho sinh viên thắc mắc, thảo luận, tự đọc tài liệu để thuyết trình. Sinh viên tập cách đặt câu hỏi, thảo luận với giáo viên và thuyết trình tài liệu làm sao với 30% đào tạo sinh viên có năng lực làm việc. Từ năm 2003 đến nay nhiều môn học chuyên ngành đã được giảng dạy bằng phần mềm mô phỏng, số hóa tại các phòng máy chuyên dụng.
Nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý toàn diện nhà trường và bước đầu dùng mạng nội bộ của nhà trường phục cho dạy học của giáo viên. Nhà trường có chế độ thích đáng về tài chính và biện pháp bảo vệ bản quyền để giáo viên yên tâm đưa bài giảng của mình lên mạng và dùng các công cụ hỗ trợ để dạy học.
Nhiều giáo viên đăng ký giảng bằng tiếng Anh hoặc bằng song ngữ và chương trình đó đang triển khai có hiệu quả và đang chuẩn bị mở rộng cho nhiều môn học khác.
Trường Đại học Lạc Hồng là một trong số ít trường tổ chức thi tốt nghiệp toàn khóa trong cùng một ngày, in đề và sao chép đề trước một tiếng và có công an PA25 chứng giám. Ở các địa điểm thi tốt nghiệp, Nhà trường mời công an phường Bửu Long, Biên Hòa giúp đỡ. Đội gác thi học kỳ, tốt nghiệp hết sức chuyên nghiệp và được tập huấn đầy đủ trước thời gian thi.
Chương trình đưa học sinh sinh viên đến với doanh nghiệp, nhà máy và đưa trường học đến khu chế xuất, khu công nghiệp rất có hiệu quả. Nhà trường ký với các cơ sở sản xuất kinh doanh cho sinh viên làm thời vụ và thực tập có lương, đây là mô hình mới mẻ nhưng trường Đại học Lạc Hồng đã làm trong 4 năm qua.
Trường Đại học Lạc Hồng được sự ủy nhiệm Viện Khảo Thí Hoa Kỳ tổ chức giảng dạy và thi (chứng chỉ do Viện Khảo Thí Hoa Kỳ cấp) thông qua TOEIC Việt Nam. Trong điều kiện tốt nghiệp của sinh viên trường Đại học Lạc Hồng ngoài qui định của Bộ Giáo dục – Đào tạo trường còn thêm điểm thi TOEIC 400 đối với khối kỹ thuật công nghệ, 450 đối với khối kinh tế xã hội và chuyên ngành tiếng Anh TOEIC 750.
* Nghiên cứu khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế:
Từ năm 2003 đến nay, nhà trường coi nghiên cứu khoa học công nghệ là cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo.
Các đề tài nghiên cứu khoa học của giáo viên và sinh viên được định hướng giải quyết bài toán thực tế sản xuất và nhà trường. Trong thời gian từ 2003 đến 2007 đã tổ chức 8 hội nghị khoa học của sinh viên với 380 đề tài, 4 hội nghị khoa học của giáo viên với 90 đề tài. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của giáo viên và sinh viên được ứng dụng vào thực tế sản xuất và công tác giảng dạy của nhà trường, chẳng hạn, đề tài quản lý IT ứng dụng ở công ty Fuzitsu, công nghệ sản xuất nút áo từ vỏ ứng dụng tại công ty Italia, đề tài PLC ứng dụng và giảng dạy tại trường Đại học Lạc Hồng với số tiền là 58 triệu nhưng làm được 27 thí nghiệm tương đương như phòng thí nghiệm đầu tư 400 triệu. Máy nhập điểm tự động, máy chấm thi trắc nghiệm được ứng dụng tại trường Đại học Lạc Hồng mang lại hiệu quả lớn…
Đề tài nghiên cứu khoa học của giáo viên được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cấp kinh phí thông qua cơ sở khoa học công nghệ có:
Năm 2003 có 2 đề tài tổng trị giá 1 tỷ 440 triệu (sở khoa học và công nghệ cấp cho 480 triệu, còn trường lo 960 triệu) đã nghiệm thu và bàn giao sử dụng.
Năm 2004 có 2 đề tài tổng trị giá 2 tỷ 100 triệu (sở khoa học công nghệ cấp 700 triệu, còn 1 tỷ 400 triệu trường tự lo) đã được nghiệm thu, đặc biệt đề tài robot lau kiếng nhà cao tầng được công ty Thái Sơn quân đội mua lại và cùng trường Đại học Lạc Hồng nghiên cứu sản xuất công nghiệp.
Hàng năm nhà trường dành khoản kinh phí 300 triệu 400 triệu cho nghiên cứu cấp trường, nhờ đó phong trào nghiên cứu khoa học của trường phát triển rộng rãi và có chất lượng.
Trường Đại học Lạc Hồng 3 lần  tham gia cuộc thi Robocon thì 2 lần được vào chung kết toàn quốc. Cuộc thi 2005 đội Robocon của Trường đứng thứ 3 toàn đoàn khu vực các trường Đại học Cao đẳng phía Nam và một trong 5 đơn vị báo cáo điển hình tại hội nghị thi đua yêu nước lần thứ III của tỉnh Đồng Nai (2001 – 2005). Năm 2007 trường Đại học Lạc Hồng có một đội vào chung kết toàn quốc và đứng thứ 6 khu vực phía Nam.
Phần mềm văn phòng điện tử do giáo viên và sinh viên trường chế tạo được ứng dụng có hiệu quả tại trường và năm học 2006 – 2007 đã chuyển giao sử dụng cho Đại học Thể dục Thể thao Trung ương II, Đại học Bà Rịa Vũng Tàu, Đại học Hồng Bàng… Phần mềm điều hành thư viện Điện tử sử dụng có hiệu quả tại trường và nay đã bàn giao cho trường Trung học chuyên Lê Quí Đôn Quảng Trị và thư viện Điện tử tỉnh Quảng Trị sử dụng.
Trong năm 2006 – 2007 trường Đại học Lạc Hồng đã chuyển giao phần mềm quản lý bán hàng cho Siêu thị Miễn Thuế Thế Kỷ Vàng (Mộc Bài Tây Ninh), phần mềm E Oder cho công ty Cội Nguồn… Ngoài các phần mềm công nghệ thông tin các Khoa Điện Tử, Cơ Điện chuyển giao day chuyền tự động hóa “Hệ thống kiểm tra linh kiện và đóng gói” cho công ty Nectokin Nhật Bản,…
Trung tâm Quan hệ quốc tế Tư vấn Du học & Việc làm đã đi vào hoạt động từ năm 1999. Hàng năm trường đã tổ chức nhiều chuyến đi thăm cũng như ký kết các hợp tác quốc tế với các  trường đại học tại Anh, Mỹ, Singsapore, Hàn Quốc, Trung Quốc. Cùng với các hoạt động đón tiếp các đoàn đến thăm và trao đổi hợp tác… Cụ thể:
Với Tổng Lãnh sự Nhật Bản:
+ Tổ chức ngày hội Văn hóa Việt Nhật tại trường Đại học Lạc Hồng với sự tham gia của khoảng 400 giáo viên và sinh viên;
+ Liên kết với tổ chức Banpaku (Nhật Bản) xây dựng Trung tâm Nhật Học với số tiền đầu tư 80.000 USD
Với Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ: Phối hợp tổ chức Hội thảo tại trường chủ đề “Những thách thức và cơ hội của Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế WTO”;
Với Tổng Lãnh sự Hàn Quốc: xây dựng Trung tâm Hàn Học với số tiền đầu tư 40.000 USD.
Phối hợp với tổ chức Thanh niên tình nguyện Hành Quốc: đang xúc tiến việc tổ chức Ngày hội văn hóa Hàn Quốc tại trường. Để cử sinh viên đi thực tập, đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ và tổ chức liên kết đào tạo 2 giai đoạn: 2 năm trong nước  2 năm nước ngoài và bằng tốt nghiệp do trường bạn cấp. Cụ thể trường đã ký kết thỏa thuận với các trường:
1) National Kaohsiung First University Of Science and Technology (Taiwan).
2) National Kaohsiung University Of Applied Sciences (Taiwan).
3) Chen Kung University (Taiwan).
4) Youngsan University (Republic of Korea).
5) Asia University (Republic of Korea).
6) Chosun University (Republic of Korea).
7) Đại học Ngô Châu Quảng Tây (People’s Republic of China).
8) Institut Fur Internationale Bildungskooperation an der Hoschule Merseburg e.v.University of Applied Sciences (Germany).
9) Dong Eui University (Republic of Korea).
Năm học 2006 – 2007 đã đưa được 12 sinh viên đi học Master tại Taiwan ngành Cơ khí, 10 sinh viên theo học Thạc sĩ tại Hàn Quốc, 7 sinh viên đi thực tập 1 năm tại Trung Quốc và 2 sinh viên du học hè tại Mỹ. Từ năm 2002 – 2006 đã giới thiệu cho 4.464 sinh viên tìm được việc làm.
Cùng với hợp tác quốc tế, dự án Đại Học đã trang bị phòng máy Multimedial dùng để Hội thảo qua mạng với chi phí trên 50.000 USD phục vụ cho học tập của sinh viên.
Trong các năm qua nhà trường đều tổ chức các buổi hội thảo, giao lưu giữa các nhà Doanh nghiệp với sinh viên, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên hiểu rõ thực tế và sau khi tốt nghiệp dễ tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.
Tổ chức thành công Hội nghị lần I các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập vào đầu năm 2006 tại trường.
Trong nhiệm kỳ II (2002 – 2007) nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của nhà trường hoạt động có hiệu quả và thương hiệu Đại học Lạc Hồng ngày một phát triển.
* Công tác học sinh, sinh viên được hoàn thiện và hoạt động hiệu quả:
Vào đầu năm học trường tổ chức tuần học chính trị đầu khóa nhằm giúp cho sinh viên hiểu nội qui, quy định và chương trình đào tạo của trường từ đó sinh viên định hướng được quá trình học tập phấn đấu để khi ra trường có 1 lượng kiến thức chuẩn phục vụ xã hội.
Việc quản lý đánh giá rèn luyện của sinh viên theo đúng qui chế 42 và phối hợp chặt chẽ công an địa phương, phòng Công tác sinh viên nhằm quản lý chặt chẽ sinh viên ngoại trú, nhờ đó các tiêu cực trong sinh viên giảm, an ninh trật tự trong trường được giữ vững.
Toàn bộ Cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ hữu và sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng
hưởng ứng cuộc vận động hai không “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” bằng việc phát động trong trào thi đua 4 thật “Dạy thật, học thật, thi thật, làm thật” và nhiều báo chí xem đó là nét đẹp của trường Đại học Lạc Hồng. Nhà trường hưởng ứng cuộc vận động “hai không” đạt nhiều kết quả tích cực. Trường Đại học Lạc Hồng đã tổ chức thi đầu vào nghiêm túc, đúng thủ tục của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Tổ chức thi học kỳ đạt kết quả tốt, chẳng hạn việc in đề trước giờ thi 1 tiếng, có Chủ tịch Hội đồng thi, phòng Đào tạo, Ban khảo thí in đề và bảo vệ. Tổ chức thi tốt nghiệp của các khoa cùng ngày, chọn đề thi, in đề thi do Chủ tịch hội đồng thi, Phòng Đào tạo, Ban khảo thí in đề và có sự chứng kiến của công an PA25, bảo vệ nhà trường và in đề trước 1 giờ. Nhà trường tổ chức tập huấn cho cán bộ coi thi, cán bộ giám sát nên hạn chế nhiều hiện tượng tiêu cực.
Hàng năm bằng nguồn kinh phí của trường và nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhà trường đều dành khoảng 800.000.000đ đến 900.000.000đ làm học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên thuộc diện chính sách… Ở các buổi lễ khai giảng năm học mới các doanh nghiệp cũng như các nhà hảo tâm ủng hộ cho quỹ khuyến học của trường từ 120.000.000đ đến 150.000.000đ và nhiều hiện vật khác.
Ngoài việc phối hợp với Tỉnh đoàn Đồng Nai tham gia chiến dịch mùa hè xanh, an
toàn giao thông, phòng chống ma tuý, các tệ nạn xã hội, nhà trường còn cùng với
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai tổ chức sinh viên tham gia các chiến dịch xóa mù tin học tại các xã vùng sâu, vùng xa.
Mỗi khi có bão lụt, thiên tai nhà trường đều có phát động các phong trào cứu trợ, cán bộ nhân viên nhà trường ủng hộ một ngày lương, lập thùng quyên góp trong giáo viên, sinh viên… Hàng năm tổ chức thăm viếng và tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật, nhà mở của tỉnh Đồng Nai, Cô nhi viện Hoa Mai,… đã trao tặng 03 căn nhà tình thương.
Phòng quản lý sinh viên đã giám sát nề nếp chặt chẽ của học sinh, sinh viên và kỷ cương học đường đã được hình thành.
* Cơ sở vật chất ngày càng lớn mạnh:
Từ chỗ trường chỉ có Khu A 2000 m2 để làm phòng học, 600 m2 làm trụ sở. Hiện nay cơ sở học tập đủ cho 16.000 học sinh sinh viên ban ngày. Các nhà đầu tư góp vốn xây dựng 37.036 m2 ở 4 cơ sở
Cơ sở 1: số 10, Liên tỉnh lộ 24, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa gồm 3 tòa nhà chính, văn phòng làm việc, các trung tâm với diện tích 9.536 m2, trong đó có 300 m2 thư viện điện tử với 7.000 đầu sách và 10.000 sách điện tử.
Cơ sở 2: số 15/3B Liên tỉnh lộ 24, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, gồm 30 phòng học và làm việc với diện tích 4.500 m2
Toàn trường có:
25 phòng thí nghiệm (Vật lý, Hóa, Phòng máy tính (5), Mạng, Cơ sở dữ liệu, Mạch điện, Mạch điện tử, Kỹ thuật số 1, Kỹ thuật số 2, Viễn thông cơ sở, Viễn thông chuyên sâu, Điện kỹ thuật, CNC, thí nghiệm sức bền, thí nghiệm hóa sinh vi sinh, phòng thực tập PLC,… ); 03 xưởng (điện tử, hóa, nguội – hàn).
Phương tiện giảng dạy: 10 máy chiếu Overhead, 8 máy Projector, trên 250 máy PC.
Cơ sở 3: Khu phố 4, Liên tỉnh lộ 24, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trên diện tích đất 28.000 m2 đã được cấp phép xây dựng, nhà trường sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục công trình sau:
Một tòa nhà 5 tầng với diện tích sử dụng 3.500 m2 gồm 30 phòng làm ký túc xá cho khoảng 1.000 sinh viên.
Một hội trường có sức chứa 1.000 chỗ ngồi.
Xây dựng thêm 3.000 m2 dùng làm nhà xưởng, phòng thí nghiệm.
Xây dựng mới một tòa nhà với diện tích sử dụng 3.500 m2 gồm 30 phòng học dành cho đào tạo trung cấp và dạy nghề.
Cơ sở 4: xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Với tổng diện tích đất 2 ha, trong đó có 1 dãy phòng học 1.000 m2 và 1 nhà xưởng đa năng với diện tích 4.000 m2. Xây dựng thêm 1 tòa nhà làm phòng học dành cho đào tạo hệ Trung cấp và dạy nghề với diện tích 3.500 m2.
Hoạt động tài chính của trường bảo đảm các nguyên tắc, tuân thủ chặt chẽ các qui định của nhà nước và qui chế, qui định của hội đồng quản trị và được kiểm tra tài chính hành năm.
Với những thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, Trường Đại học Lạc Hồng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba.
Báo Công An

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        29,584,076       5/707