Xây dựng bài giảng điện tử đang dần trở thành một xu hướng tất yếu trong ngành giáo dục. Hiện nay, việc soạn thảo một bài giảng E-learning đã trở thành một kĩ năng cần thiết mà mỗi giảng viên phải trang bị cho mình. Để đồng bộ hoạt động xây dựng bài giảng điện tử trong giảng viên và nhất là trong giai đoạn sinh viên được nghỉ học kéo dài để phòng dịch Covid-19, Trường Đại học Lạc Hồng càng “mạnh tay” hơn trong việc triển khai dạy học online cho sinh viên.
Một trong những buổi tập huấn Xây dựng bài giảng điện tử
tại Đại học Lạc Hồng
Đẩy mạnh tập huấn, chia sẻ phương pháp ứng dụng công nghệ (E-Learning)
Dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của TS. Lâm Thành Hiển – Phó Hiệu trưởng thường trực, Trung tâm Thông tin tư liệu và Bộ phận Truyền thông của nhà trường đã tích cực đẩy mạnh tập huấn và chia sẻ phương pháp ứng dụng công nghệ (E-Learning) sao cho hiệu quả đối với giảng viên và người học.
Giảng viên thực hành tại chỗ việc ứng dụng công nghệ vào xây dựng bài giảng điện tử
Theo, TS. Lâm Thành Hiển – Hướng đi sắp tới của nhà trường là đẩy mạnh việc ứng dụng E-Learning, hướng người học tham gia các chương trình hoàn toàn giảng dạy trực tuyến. Vì thế nhà trường tăng cường tập huấn kỹ năng và kiến thức để giúp thầy cô dễ dàng trong việc xây dựng bài giảng điện tử. Tuy nhiên cho dù áp dụng bất cứ công nghệ hay hình thức giảng dạy nào, nội dung phù hợp vẫn là yếu tố then chốt.
Là đơn vị đào tạo đa ngành cùng với đội ngũ giảng viên dồi dào. Để công tác tập huấn được diễn ra chu đáo và tiện cho việc thực hành tại chỗ, Nhà trưởng tổ chức hướng dẫn thành nhiều buổi, theo từng đơn vị. Trước đó, thầy Phạm Hồng Thái – Trung tâm thông tin tư liệu phụ trách xây dựng hệ thống cài đặt và cấu hình moodle liên kết tài khoản cá nhân của sinh viên thông qua Trang thông tin nội bộ (ME) của Trường nhằm giúp giảng viên và sinh viên kết nối tới bài giảng dễ dàng hơn.
Đại học Lạc Hồng "mạnh tay" đầu tư Trường quay
hỗ trợ giảng viên thực hiện bài giảng online
Với nhiều thầy cô quen với cách dạy học truyền thống khi tiếp cận với việc xây dựng bài giảng điện tử sẽ chưa quen và gặp nhiều khó khăn. Để giảm bớt áp lực cho thầy cô, thầy Nguyễn Võ Sơn – Bộ phận Truyền thông đã thực hiện các clip hướng dẫn từng bước cơ bản để mỗi thầy cô có thể tự làm bài giảng ở mức tiêu chuẩn.
Giữa năm 2019, nhà trường "mạnh tay" đầu tư hệ thống Trường quay với các trang thiết bị hiện đại nhằm hỗ trợ tối đa cho việc thực hiện bài giảng online.
Phối hợp …
Để đảm bảo tốt mục tiêu triển khai công tác dạy học trực tiếp, nhà trường tiến hành hỗ trợ các giảng viên, chuyên gia thông qua những chương trình tập huấn giúp có thêm những cách giảng dạy mới. Ngoài ra, được biết cuối năm 2019, Đại học Lạc Hồng đã ký kết hợp tác với trường ĐH giáo dục trực tuyến FUNIX nhằm giúp đỡ nhau trong việc xây dựng các nền tảng cho E-Learning để phát triển nhanh hơn.
Thầy Thái cho biết thêm: “E-Learning nói chung là một hình thức thông qua nền tảng Internet đưa công nghệ vào hoạt động tổ chức dạy học. Có thể phân E-Learning thành nhiều cấp độ. Đơn giản nhất là đăng tải các bài tập, bài giảng lên một hệ thống giúp sinh viên tiếp cận. Cao hơn, E-Learning là công nghệ cho phép giảng viên tương tác trực tuyến với sinh viên nhưng không cần hình ảnh, như các ứng dụng hộp thoại "chat" hay công cụ hỏi đáp trực tuyến. Cuối cùng là hệ thống hỗ trợ tương tác trực tuyến có hình ảnh như trong các hội nghị truyền hình nhưng phức tạp hơn khi phải kết nối một điểm đầu với rất nhiều điểm cuối. Và để làm được điều đó thì công nghệ đóng vai trò tiên quyết trong việc áp dụng E-Learning. Và để triển khai E-Learning đòi hỏi công nghệ đủ mạnh. Tuy nhiên, như đã nói, E-Learning có nhiều cấp độ ứng dụng, sau buổi tập huấn thì tất cả thầy cô đều có khả năng thực hiện, chẳng hạn như đăng tải các bài tập, bài giảng. Khi điều kiện đầy đủ, thầy cô có thể tiếp tục áp dụng những công nghệ tiến bộ hơn.”
… và chia sẻ
Ngay sau khi nhận thông báo học sinh được kéo dài thời gian nghỉ học tạm thời đến hết tháng 02/2020, Đại học Lạc Hồng còn nhận lời hỗ trợ công cụ và hỗ trợ tập huấn cho giáo viên Trường TH, THCS, THPT Song ngữ Lạc Hồng phương pháp hướng dẫn học sinh tự học online.
Chia sẻ với giáo viên Trường TH, THCS, THPT Song ngữ Lạc Hồng
về phương pháp hướng dẫn học sinh tự học online
Việc đưa E-Learning vào dạy học là một yêu cầu khách quan khi công nghệ phát triển, nhu cầu người học tăng lên và nhất là phòng những khi gặp sự cố như dịch Corona. Cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy chế đào tạo từ xa (thông tư 10/2017/TT-BGDĐT), mở đường cho việc đào tạo hoàn toàn bằng phương pháp trực tuyến. Hay gần đây, bộ đã có dự thảo thông tư về quy định và tiêu chuẩn đưa E-Learning vào chương trình chính quy, trong đó quy định bắt buộc các trường dành một phần tỉ lệ nhất định cho phương pháp này bên cạnh cách dạy truyền thống.
bài giảng điên tử, E - learning