Kiến thức y tế học đường

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường


Những việc cần làm ngay để bảo vệ mình khỏi biến thể Omicron

Trong khi các nhà khoa học "chạy đua" nghiên cứu biến thể mới Omicron, các quốc gia đồng loạt đưa ra những biện pháp ứng phó thì bản thân bạn cần chuẩn bị gì để bảo vệ mình? TS.BS. Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giải đáp trong bài viết sau đây.

Biến thể Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào loại biến thể cần quan tâm, có khoảng 50 đột biến và có thể dễ lây nhiễm hơn biến thể Delta.

Cho đến nay, vẫn chưa có đủ dữ liệu về việc vaccine COVID-19 hiện có sẽ hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới Omicron hay không. Theo các chuyên gia y tế, sẽ mất ít nhất hai đến vài tuần để giải mã biến thể và thu thập thêm thông tin về cách lây truyền và khả năng gây bệnh của biến thể Omicron.

Về lý luận, cách ứng phó với biến thể Omicron sẽ có nhiều điểm tương tự như biến thể Delta, do phương thức lây truyền và khả năng gây bệnh của các virus gây bệnh hô hấp có nhiều đặc điểm tương đồng.

Trong khi các thông tin liên quan biến thể Omicron chưa đầy đủ, để ứng phó với biến thể mới này, có 3 việc chính bạn cần chuẩn bị:

1. Tiêm đủ liều cơ bản, tiêm liều bổ sung, tiêm liều nhắc lại vaccine COVID-19 theo khuyến cáo

Các nhà chuyên môn khuyến cáo rằng, trong khi chờ đợi nghiên cứu về biến thể mới Omicron, các vaccine sẵn có vẫn là "vũ khí" tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người khác trước COVID-19.

Như vậy, bạn phải nhanh chóng tiêm đủ liều vaccine cơ bản (thường là 2 mũi với đa số các loại vaccine hiện có).

Ngoài tiêm đủ liều vaccine cơ bản, một số quốc gia đang triển khai tiêm liều vaccine tăng cường. Ở Việt Nam, theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm liều bổ sung và tiêm liều nhắc lại như sau:

- Tiêm liều bổ sung vaccine phòng COVID-19:

  • Đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…
  • Loại vaccine: Cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA.
  • Khoảng cách: Tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine.

Ứng phó với biến thể Omicron:  3 việc chính bạn cần làm - Ảnh 1.

Những vaccine có sẵn hiện nay vẫn là "vũ khí" tốt nhất để bảo vệ bạn và cộng đồng chống lại COVID-19.

- Tiêm liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19:

  • Đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
  • Loại vaccine: Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véc tơ virus (vaccine Astrazeneca)
  • Khoảng cách: Tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

Vaccine sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại: Vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Liều lượng vaccine để tiêm bổ sung và nhắc lại: Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

2. Tự làm test nhanh kháng nguyên COVID

Khi bạn đã chấp nhận sống chung với dịch, test nhanh kháng nguyên COVID là công cụ tầm soát ban đầu tiện ích và dễ chấp nhận nhất. Test nhanh kháng nguyên COVID giúp phát hiện sớm và nhanh tình trạng nhiễm COVID cho bạn và người thân để kịp thời chuyển trạng thái sang cách ly theo quy định tại địa phương, đồng thời là căn cứ để test PCR. Nếu PCR dương tính bạn sẽ áp dụng ngay các bước điều trị theo hướng dẫn.

Hiện nay, test nhanh kháng nguyên COVID vẫn được xem như một giấy thông hành, một "Chứng nhận COVID", ít nhất có giá trị trong vòng 24-48 tiếng đồng hồ, minh chứng rằng bạn đủ tiêu chí và tâm thế để tham gia vào các hoạt động cộng đồng như hội nghị, hội thảo, đám hiếu, hỉ, các điểm tham quan du lịch, khám chữa bệnh…

Cách tốt nhất là bạn hãy tự học sử dụng test nhanh tìm kháng nguyên virus SARS-CoV-2 khi bạn thấy nghi ngờ, hoặc được cảnh báo, hoặc chuẩn bị "Chứng nhận COVID" cho các hoạt động cộng đồng có yêu cầu.

Nên sử dụng các test nhanh kháng nguyên COVID đã được Bộ Y tế phê duyệt. Nếu có kết quả dương tính, bạn tự cách ly không tiếp xúc với mọi người và trao đổi ngay với cơ quan chức năng để xử trí kịp thời.

Ứng phó với biến thể Omicron:  3 việc chính bạn cần làm - Ảnh 2.

Hiện nay, test nhanh kháng nguyên COVID vẫn được xem như một giấy thông hành, một "Chứng nhận COVID".

3. Áp dụng các chiến lược khác để ứng phó với biến thể Omicron

Các chiến lược khác như bạn đã ứng phó lâu nay với biến thể Delta vẫn là chìa khóa chính để hạn chế sự lây lan của Omicron và các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Cụ thể là:

- Luôn giữ khoảng cách an toàn, sẵn sàng học và làm việc online trong bình thường mới: Mặc dù, các hoạt động online có những hạn chế nhất định, nhưng là lựa chọn khá phù hợp cho việc giảm thiểu tương tác trực tiếp khi sống chung lâu dài với virus. Bạn phải rèn khả năng thích ứng cao trong mọi tình huống: học online, họp online, giải quyết công việc online... đan xen với làm việc trực tiếp theo yêu cầu từng nghề nghiệp cụ thể.

Khẩu trang là vật bất ly thân: Mặc dù, khẩu trang không phải là cách phòng ngừa tối ưu, nhưng rõ ràng có tác dụng ngăn chặn phơi nhiễm virus qua giọt bắn hay các hạt li ti của nước bọt khi nói chuyện, ho hay hắt hơi.

- Rửa tay: Tập rèn luyện thói quen rửa tay và đúng lúc, giúp ngăn chặn hiệu quả phơi nhiễm virus qua việc tiếp xúc và sờ nắm vào vật bẩn. Tạo thói quen hạn chế sờ tay lên mắt mũi miệng giúp tránh phơi nhiễm virus cũng là một thực hành cần đặt ra.

- Súc rửa mũi và họng hàng ngày: Bạn phải súc mũi họng 2-3 lần mỗi ngày như thói quen, ngoài ra cần súc mũi họng khi bạn vừa tách ra từ một công việc có nhiều người tham dự, hoặc khi ra khỏi các cơ sở khám chữa bệnh hoặc vừa trở về nhà…

 Nín thở trong tình huống bất ngờ gặp người lạ: Sau một thời gian tự rèn, nín thở khi có một người lạ xuất hiện gần, và chỉ nín thở trong vài giây là không khó và dần hình thành một phản xạ có điều kiện cho riêng bạn hết sức tự nhiên.

- Nâng cao sức đề kháng, giữ vệ sinh nhà cửa: Thực hành này bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục 30 phút mỗi ngày, hạn chế rượu bia, điều chỉnh cân nặng, ngủ đủ giấc, quản lý tốt căng thẳng, sử dụng các bài thuốc dân gian đông y đã được cơ quan y tế phê duyệt trong việc giúp thải độc và tăng sức đề kháng cơ thể.

Bạn hãy lên lịch vệ sinh thông thoáng nhà cửa như là một công việc thường quy, đây là giải pháp quan trọng giúp loại trừ nơi ẩn náu của virus.

- Cập nhật thông tin dịch COVID-19 tại nơi bạn cư trú hay điểm bạn muốn đến, khai báo y tế đầy đủ theo yêu cầu: Làm chủ thông tin là chìa khóa giúp bạn đề ra cho mình giải pháp phù hợp nhất trong sống chung với virus.

- Tích cực điều trị và kiểm soát các bệnh nền, học cách tự chữa nếu không may bạn là F0 hay F1: Càng nhiều tuổi, bạn càng khó tránh khỏi mắc các bệnh nền như bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì, bệnh thận… Thật không may, đây là những yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh COVID. Để sống chung với virus một cách an toàn, bạn phải tích cực chữa và quản lý tốt các bệnh nền đang sẵn có. Nếu không may bạn trở thành F0 hay F1, bạn hết sức bình tĩnh, không hoang mang, các cơ quan y tế sẽ hướng dẫn cho bạn cách cách ly tập trung hay tại nhà và xử trí theo quy định.

Theo TS.BS. Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Thừa Thiên Huế


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  936,719       1/927