Phổ biến kiến thức

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường  »  Phổ biến kiến thức


Giao mùa, đề phòng viêm da tiếp xúc do côn trùng

 

Thời tiết đang chuyển mùa, mưa nắng thất thường, cũng là lúc côn trùng phát triển mạnh và tấn công các khu dân cư. Nhiều loại côn trùng có chứa độc tố, nên khi tiếp xúc cơ thể người sẽ gây kích ứng viêm da.

Loài côn trùng nhỏ bé nên khiến nhiều người dễ xem thường và chủ quan khi bị chúng cắn, thế nhưng đó là suy nghĩ sai lầm bởi nhiều loài côn trùng có chứa độc tố gây hại cho da, đặc biệt là gây viêm da tiếp xúc. Bọ xít, kiến ba khoang, con thiêu thân có nhiều phấn, con rết, côn trùng cánh cứng...là những côn trùng dễ gặp và chứa độc tố. Viêm da tiếp xúc do côn trùng xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với các phần của côn trùng như bụi phấn từ cánh côn trùng hoặc chất tiết. Viêm da cũng xảy ra khi tiếp xúc gián tiếp với côn trùng qua dây phơi, quần áo, khăn...

Trường hợp dễ mắc viêm da tiếp xúc do côn trùng là những người thường có thói quen cởi trần, mặc áo hở, ngủ không mắc màn, mở cửa sổ... dễ bị côn trùng tấn công. Chúng đậu vào các vùng da hở, không có áo quần che chắn trên cơ thể như vùng cổ, tay, cánh tay, vùng mặt và tiết ra các chất độc gây viêm da. Đã có nhiều trường hợp bị viêm da do côn trùng, nhiều người nghĩ là bình thường nhưng nó có thể mang hậu quả rất lớn tới bề mặt da nếu không được điều trị kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết

Ngay sau khi tiếp xúc với côn trùng, da ở chỗ tiếp xúc trực tiếp sẽ bị đỏ lên, có cảm giác ngứa, rát, sưng nề. Sau khoảng 5-7 giờ, da bắt đầu bị sưng, phù kéo thành các vệt dài theo vùng chúng tiếp xúc, nổi mụn nước kích thước vài mm không đồng đều, sau 2-3 ngày các mụn này trở thành mụn mủ, đầu trắng... Các đám mụn nước, mụn mủ đôi khi bị trợt ra và chảy dịch chảy mủ ở vùng trung tâm vết tổn thương. Tổn thương vùng mắt có thể làm mi mắt sưng nề, mắt híp lại, đôi khi phải vài ngày sau mới mở mắt ra được. Tổn thương ở vùng nách có thể gây trợt nhiều hoặc loét sâu qua lớp thượng bì. Ngứa gãi làm mụn mủ vỡ ra gây viêm, rát tăng lên và có thể lan sang những vùng da khác. Nếu dây dịch tiết sang da người khác, nhất là các em bé sơ sinh thì cũng làm trẻ bị lây. Thông thường bệnh nhân có cảm giác bỏng rát ở vùng da bị tổn thương, nếu loét và nhiễm trùng có mủ thì sẽ rất đau. Đôi khi có ngứa nhẹ từng lúc. Nặng có thể gặp phải tình trạng sốt nhẹ, nổi hạch vùng cổ, nách, vùng bẹn tương ứng với vị trí tổn thương.

Kiến 3 khoang chứa nhiều độc tố dễ gây viêm da tiếp xúc cho người.

Kiến 3 khoang chứa nhiều độc tố dễ gây viêm da tiếp xúc cho người.

Làm gì khi bị côn trùng đốt?

Ngay sau khi tiếp xúc với côn trùng và có những dấu hiệu bệnh viêm da tiếp xúc, thì nên áp dụng ngay, càng sớm càng tốt một số biện pháp xử lý cấp tốc để bệnh thuyên giảm như:

Trường hợp nhẹ: Rửa sạch da với các loại xà bông có tính kiềm làm trung hòa môi trường acid có trong chất độc của côn trùng, đồng thời việc rửa sạch vùng da tiếp xúc cũng làm chất độc trôi vào nước giảm kích ứng. Sau đó tắm rửa bình thường với nước sạch. Bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày, da đóng vảy và khô dần.

Trường hợp nặng: Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, nổi hạch, vùng da tổn thương sưng tấy do bệnh gây viêm nhiễm nghiêm trọng thì nên tiến hành dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ các như: Thuốc kháng sinh: penicillin, cephalexin, ampicillin... Thuốc kháng histamin như desloratadin, telfast, cetirizin, clarityne,... Các thuốc bôi: làm dịu da, sát khuẩn, kháng sinh có corticoid.

Khi bị viêm da do tiếp xúc côn trùng và thấy các dấu hiệu bệnh ngày càng nặng lên thì cần đi khám chuyên khoa da liễu để được điều trị phù hợp, không tự ý đắp lá hoặc dùng thuốc không nguồn gốc, dễ khiến tình trạng viêm nhiễm càng nặng hơn.

Biện pháp phòng tránh

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là mọi người nên chú ý chế độ sinh hoạt hằng ngày. Để tránh tiếp xúc với côn trùng, nên đóng kín các cửa, làm cửa chống côn trùng hoặc dùng lưới ngăn côn trùng, buông rèm nếu bật đèn để chúng không bay vào nhà, nhất là vào mùa mưa bão, mùa gặt. Có thể trồng một số loại cây ngoài ban công có khả năng xua đuổi côn trùng và tốt cho sức khỏe như sả, hương nhu, bạc hà...

Không giết côn trùng bằng tay, không để da tiếp xúc với chất dịch do côn trùng tiết ra. Khi đã bị viêm da do côn trùng thì không nên chạm tay vào vùng thương tổn rồi chạm vào vùng da khác.

Tạo thói quen mắc màn trước khi ngủ. Nên kiểm tra kỹ áo quần, khăn mặt, thau chậu, nước tắm trước khi sử dụng; kiểm tra giường chiếu trước khi ngủ để phát hiện những côn trùng ẩn nấp bên trong.

Mặc quần áo dài ống, đội mũ, mang các đồ bảo vệ như: ủng, mũ, găng tay, đeo kính khi đến những nơi côn trùng phát triển: bụi cây, đống rác, đống củi, đống gạch, nhà bỏ hoang...

Nên vệ sinh môi trường sống và giữ luôn thoáng, sạch sẽ để ngăn ngừa côn trùng có điều kiện sinh sôi và phát triển. Đó chính là biện pháp tốt nhất phòng tránh côn trùng gây hại lên da.  

(Theo BS. QUANG ANH - suckhoedoisong.vn)


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  5,324,680       1/1,058